Mỗi năm, số lượng học sinh trên địa bàn TP.HCM luôn tăng theo mức tăng dân số cơ học, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học, kéo theo nỗi lo thiếu trầm trọng giáo viên của ngành giáo dục thành phố, mặc dù TP.HCM đã có nhiều chính sách thu hút giáo viên.


TP.HCM đang thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Ảnh T.D

Hơn 1.000 giáo viên bỏ việc, chuyển việc

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm học 2017-2018, số lượng học sinh tăng hơn 59.000 học sinh so với năm học trước, tập trung tăng nhiều ở các quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học cao như các Quận: 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức… Theo đó, ngoài nỗi lo thiếu phòng học, bài toán thiếu giáo viên cũng đang khiến các quận, huyện “đau đầu”, nhất là thiếu giáo viên mầm non.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho thấy, mỗi năm, thành phố thiếu khoảng 500 giáo viên mầm non. Bên cạnh đó, bình quân mỗi năm thành phố có khoảng 1.046 giáo viên mầm non ra khỏi hệ thống, trong đó chủ yếu là bỏ việc và chuyển việc. Trong khi việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn vì áp lực công việc lớn, lương và chế độ đãi ngộ còn thấp.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Hiệu trưởng mầm non Trường Mầm non phường 3, trường hiện có 353 trẻ với 10 nhóm lớp nhưng chỉ có 18 giáo viên nên rất căng thẳng. Trường chỉ cố gắng ưu tiên đủ giáo viên cho khối nhà trẻ. Còn khối khác, ban giám hiệu buộc phải trực tiếp vào lớp những giờ cao điểm để phụ giáo viên như cho trẻ ăn, trông coi trẻ... Trường cũng đã đăng ký tuyển giáo viên nhưng không được. Nhân viên nuôi dưỡng (bảo mẫu mầm non) cũng thiếu vì lương thấp quá, chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng nên khó tuyển. Do đó, ban giám hiệu cũng phải làm luôn các việc của bảo mẫu vào giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng, việc giữ chân giáo viên, nhất là giáo viên giỏi, không hề đơn giản. Hiện nay, nhiều giáo viên giỏi của trường công lập có xu hướng chuyển qua trường ngoài công lập hoặc chuyển nghề, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh. Lý do chính là lương của giáo viên khoảng 3-4 triệu đồng/tháng thì họ không thể duy trì cuộc sống.

Cụ thể, tới đây, có 8 cán bộ, giáo viên một trường tiểu học công lập ở quận 1 (TP.HCM) đồng loạt xin nghỉ việc để chuyển qua dạy ở trường tư dù đã có hơn 10 năm gắn bó ổn định với trường học cũ. Theo các giáo viên này, mức lương ở đơn vị mới cao gấp 2 lần thu nhập ở trường cũ, chưa kể các khoản tiền thưởng, tăng thêm thu nhập cuối năm.

Bên cạnh đó, do trường tư không áp dụng hệ tiêu chuẩn đánh giá giáo viên như ở trường công, nên thu nhập không cào bằng theo số năm công tác, mà tương ứng với tổng điểm đánh giá, tích hợp từ các chỉ số đo sự hài lòng của phụ huynh, kết quả học tập trung bình của học sinh, đánh giá chuyên môn của ban giám hiệu qua các tiết dự giờ… để trả lương cho giáo viên.

Cần nhiều chính sách đãi ngộ

Trước thực trạng trên, để giữ chân giáo viên và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường công lập, TP.HCM đã áp dụng nhiều chính sách thu hút như ngoài cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non (cho vay để trả học phí và cả sinh hoạt phí), sinh viên vay sẽ cam kết ra trường công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở TP.HCM và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác. Bắt đầu từ năm 2017, TP.HCM tuyển dụng giáo viên không có hộ khẩu TP.HCM, quy định thêm các mức hỗ trợ thu nhập giáo viên mới ra trường, giáo viên mầm non giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi… với kinh phí dự kiến hơn 250 tỉ đồng/năm.

Về thu nhập và chế độ đãi ngộ, Sở Giáo dục và Đạo tạo kiến nghị hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non số tiền tương đương 160 giờ/năm vì số giờ làm việc thêm của giáo viên hiện nay khoảng 720 giờ/năm trong khi họ chỉ được lãnh phụ trội thêm giờ không quá 200 giờ/năm. Hỗ trợ để khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn cao, như thạc sĩ là 1.500.000 đồng/người/tháng; đại học là 1.100.000 đồng/người/tháng; cao đẳng là 550.000 đồng/người/tháng. Đồng thời nâng mức hỗ trợ thêm 35% tiền lương do tính chất công việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên (tăng 10%).

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, mặc dù TP.HCM đã có nhiều chế độ, chính sách thu hút giáo viên, nhưng nhìn chung mặt bằng thu nhập của giáo viên ở trường công vẫn chưa cạnh tranh nổi với trường tư. Trong đó, mô hình trường tiên tiến, hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế (mức thu học phí cao hơn các trường công bình thường khác, là một trong những nỗ lực của TP.HCM trong việc tăng thêm tính tự chủ cho các đơn vị, qua đó góp phần cải thiện đời sống giáo viên) mặc dù đang triển khai nhưng tốc độ rất chậm, do vướng phải áp lực về sĩ số và sự chưa đồng tình của số đông phụ huynh.

Qua đó cho thấy, làm sao để thu hút và giữ chân giáo viên giỏi vẫn là bài toán khó đặt ra cho ngành giáo dục. Trong khi chờ đợi những đổi mới căn cơ hơn về chất lượng đào tạo cũng như tính toán, phân bổ lại nhân sự từ cơ quan chủ quản ngành giáo dục, các trường công cần quan tâm đầu tư hơn nữa trong việc xây dựng hình ảnh để thu hút người học, tạo niềm tin trong cộng đồng.

Theo Báo Hải Quan.

View more the latest threads: