Giao dịch nhà đất hiện nay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khó lường trước được. Bởi vậy, người mua nhà nên rất thận trọng khi giao dịch và làm thu tuc mua ban nha, đề phòng lừa đảo và tránh các tranh chấp có thể xảy ra sau này. Dưới đây là những kinh nghiệm rút ra được trong quá trình tư vấn mua bán nhà đất cho khách hàng, hi vọng sẽ giúp ích được cho quý vị.

Giai đoạn thương lượng:

- Kiểm tra giấy tờ pháp lý của tài sản. Thông thường dấu giả thường kém sắc nét, thậm chí nhòe nhoẹt, con chữ không ngay ngắn, đồng đều. Trong trường hợp gặp khó khăn trong việc đánh giá thật giả có thể nhờ cán bộ phòng tài nguyên môi trường kiểm tra hộ.

- Kiểm tra nhà đất trên thực tế và tài sản trên giấy chứng nhận. Nhiều trường hợp trên giấy chứng nhận ghi là nhà cấp 4 nhưng thực tế lại là ngôi nhà 5 tầng thì sẽ gặp khó khăn khi làm thủ tục chuyển nhượng. Trường hợp này cần tìm hiểu việc cấp phép xây dựng.

- Cần tìm hiểu nhà đất mua bán có bị tranh chấp với các bên xung quanh hay không. Bạn có thể hỏi cơ quan chính quyền của địa phương hoặc hỏi ngay những người hàng xóm.

- Nhiều trường hợp nhà đất chỉ đứng tên một người (vợ hoặc chồng) nhưng nếu tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng thì khi chuyển nhượng phải có đầy đủ vợ chồng tham gia ký kết. Nếu một người không có mặt ở địa phương như đang ở nước ngoài, đang chấp hành hình phạt tù... sẽ gặp khó khăn khi mua bán.


- Nên tìm hiểu ở Phòng công chứng xem nhà đất có đang liên quan đến một giao dịch khác như đặt cọc, cầm cố, bảo lãnh, ủy quyền… hay không? Nếu có, về nguyên tắc phải hủy bỏ những giao dịch này rồi sau đó các bên mới thực hiện được mua bán.

- Kiểm tra giấy tờ tùy thân có còn trong hạn sử dụng hay không (thời hạn sử dụng hộ chiếu là 10 năm, chứng minh nhân dân 15 năm kể từ ngày cấp), các giấy tờ khác như sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân… có bị nhòe nhoẹt, cũ nát hay không.

- Kiểm tra giấy chứng nhận có ghi nợ các khoản lệ phí, thuế sử dụng đất… hay không bởi người sở hữu nhà đất chỉ được chuyển nhượng nhà đất sau khi đã hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
- Kiểm tra việc mua bán có biểu hiện giấu giếm, vội vàng, giá cả chuyển nhượng có quá rẻ không?

- Xem xét nhà đất có liên quan đến bên thứ ba như hệ thống cống, cáp điện, cấp nước… Nếu có cần kiểm tra các thỏa thuận trước đó của các bên về việc sử dụng chung hạ tầng này.

Giai đoạn lập hợp đồng, thanh toán:

- Hạn chế việc mua bán viết tay, nếu tài sản đã có giấy chứng nhận nên đến văn phòng công chứng để làm hợp đồng chuyển nhượng.

- Việc đặt cọc, mua bán nên mời người làm chứng. Người làm chứng không nên là người có quan hệ họ hàng, huyết thống với bất kỳ bên nào.


- Việc thanh toán cần thực hiện tại ngân hàng, không nên thanh toán ở địa điểm khác. Cách tốt nhất là người mua để tiền trong tài khoản, khi mua bán hai bên ra ngân hàng và bên mua chuyển khoản cho bên bán, không mất thời gian kiểm đếm, không sợ tiền giả và không gặp nguy hiểm khi mang số tiền lớn đi đường.

- Không nên đặt cọc, mua bán bằng ngoại tệ bởi việc mua bán này có thể bị vô hiệu, gây thiệt hại cho các bên.

- Ngay sau khi ký hợp đồng công chứng thực hiện thủ tục mua bán đất, một trong các bên phải liên hệ nộp thuế với chi cục thuế để tránh bị phạt do chậm nộp.

- Khi nhận Giấy chứng nhận cần xem lại các thông tin ghi trên giấy chứng nhận có đúng hay không. Nếu phát hiện sai sót phải đề nghị đính chính ngay.

Mọi yêu cầu về thủ tục mua bán nhà đất, xin liên hệ văn phòng Sàn pháp lý, 90 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội - 0976.964.688